• 'Bắt bệnh', 'kê đơn' nâng cao 'sức khỏe' ngành cơ khí chế tạo Việt Nam

'Bắt bệnh', 'kê đơn' nâng cao 'sức khỏe' ngành cơ khí chế tạo Việt Nam

Điểm yếu của ngành cơ khí chế tạo nước ta hiện nay là số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia quá ít. Nếu chỉ có vài trăm DN thì ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam không thể phát triển.

DN Việt rất giỏi trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo Ảnh: TL


Bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam (VASI) nhấn mạnh, khi trao đổi với phóng viên TBTCO.

*PV: Có một số ý kiến cho rằng, khả năng cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước hiện còn rất hạn chế, kéo theo tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Bà Trương Thị Chí Bình: Thực ra, DN Việt rất giỏi trong lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, một số DN đã tham gia vào chuỗi sản xuất này có trình độ năng lực cực kỳ giỏi. Họ tự mày mò để làm, hoạt động độc lập, bươn trải độc lập mà không được bất cứ sự hỗ trợ nào.

Tuy nhiên, có thể thấy ngay, điểm yếu lớn nhất của ngành CNHT, cụ thể ở đây là cơ khí chế tạo nước ta hiện nay là số lượng DN tham gia quá ít, rất thiếu DN hoạt động trong lĩnh vực này.

Nếu chỉ có vài trăm DN như thế này thì ngành cơ khí chế tạo, ngành CNHT của Việt Nam không thể phát triển. So sánh ngay trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã có tới hàng chục nghìn DN trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, điểm yếu cơ bản nữa là giá thành hàng hóa của chúng ta vẫn ở mức cao. Về chất lượng, chúng ta đã có những DN đáp ứng tốt yêu cầu sản phẩm của khách hàng. Vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà cung cấp khác, nhất là về giá. Cái khó nhất của DN hiện nay là giảm giá thành sản phẩm, sản xuất tinh gọn, làm sao để đạt những chứng chỉ quốc tế…

Bên cạnh đó, năng lực thương mại của DN còn yếu; DN không nắm bắt được xu thế thị trường, công nghệ thế giới đang đi đến đâu…Mặt khác, DN với quy mô nhỏ nên không đáp ứng được yêu cầu của người mua về số lượng và thời gian giao hàng.

*PV: Như chúng ta vẫn tranh cãi trong thời gian vừa qua về câu chuyện “DN Việt không làm nổi một cái ốc vít”, như vậy có phải do điểm yếu của DN còn nằm ở công nghệ, thưa bà?

- Bà Trương Thị Chí Bình: Tôi cho rằng không hẳn như vậy. Với những thứ khách hàng đang yêu cầu, đang tìm kiếm đối với thị trường Việt Nam thì công nghệ chưa phải là khó khăn đối với các DN ngành cơ khí chế tạo. Bởi đối tác không yêu cầu, không mời chào mình những thứ công nghệ cao, khó khăn phức tạp.

Điều đó không có nghĩa là DN của nước ta đã có công nghệ xuất sắc mà là với những nền tảng hiện có thì DN hoàn toàn có thể sản xuất những mặt hàng mà đối tác yêu cầu.

Tôi cho rằng, chúng ta không nên kỳ vọng những sản phẩm cao siêu hơn như thế nếu chưa làm tốt được những sản phẩm đơn giản – lợi thế của chúng ta hiện nay.

*PV: Theo đánh giá của Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hóa trong công nghệ chế tạo hiện là hơn 30%. Phải chẳng tỷ lệ nội địa hóa phần lớn chỉ tập trung vào các DN lớn, DN nước ngoài?

- Bà Trương Thị Chí Bình: Đó là con số trung bình, lĩnh vực xe máy có tỷ lệ nội địa hóa rất cao, nhưng ô tô, điện tử thì thấp hơn nhiều. Ví như Honda tỷ lệ này lên tới hơn 90%. Mặt khác, mỗi một DN lắp giáp lại có cách tính tỷ lệ nội địa hóa riêng, không giống nhau.

Quốc gia nào cũng muốn hướng đến tỷ lệ nội địa hóa cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sản xuất phải tính đến hiệu quả nên sẽ chẳng có quốc gia nào có tỷ lệ nội địa hóa cao đến 100%. Ngược lại, thay vào đó, chỗ nào sản phẩm có mức giá rẻ thì sẽ chuyển dịch sang thị trường đang thiếu, đang có nhu cầu. Thực tế cho thấy, có những tập đoàn sản xuất một chỗ nhưng sản phẩm thì được bán đi khắp toàn cầu.

Bên cạnh đó, có một nghịch lý trong sản xuất linh kiện phụ tùng là hầu hết những sản phẩm càng nhỏ thì càng đắt, sản phẩm càng to giá càng rẻ. Thế nên với những quốc gia đi sau mà lại muốn tăng cường nội địa hóa tại chỗ như Việt Nam thì rõ ràng chúng ta chỉ có cơ hội nhiều đối với những linh kiện to nặng, cồng kềnh mà các DN không thể nhập khẩu được hoặc chi phí nhập khẩu đắt hơn mua tại nước ta.

*PV: Nhiều DN cho biết rất khó "chen chân" vào chuỗi sản xuất. Vậy theo bà, để tham gia vào các chuỗi này, DN cần làm như thế nào?

- Bà Trương Thị Chí Bình: Việc này tuy khó mà dễ, ví như đối với những DN đã có chất lượng tốt, chuẩn và được đánh giá cao rồi thì phải làm sao để hạ giá thành sản phẩm, nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

DN muốn làm được như vậy thì quản trị phải tinh gọn, quy trình sản xuất phải tiết kiệm chi phí, nhân lực nhất có thể. Tức là DN phải áp dụng quản trị chất lượng tốt, hệ thồng tiêu chuẩn, quy trình sản xuất phải rất chuẩn…

Có thể thấy, việc đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng đã là rất khó đối với DN rồi nhưng việc thỏa mãn được về mặt giá cả để cạnh tranh tốt lại càng khó hơn trong bối cảnh hiện nay. Giá – là một yêu cầu quan trọng và điều kiện rất cần thiết nếu muốn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, điều này không thể hoàn toàn phụ thuộc vào ý trí chủ quan của DN mà còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan như môi trường, chính sách, nền kinh tế vĩ mô từ lãi suất đến chi phí phi chính thức… Do đó, bên cạnh việc chủ động cắt giảm chi phí của DN thì Chính phủ cũng cần có sự hỗ trợ. Tôi cho rằng phải có sự nỗ lực của cả hai phía thì mới đạt được hiệu quả thực sự.

*PV: Nói như vậy có nghĩa là về mặt chính sách vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, thưa bà?

- Bà Trương Thị Chí Bình: Thực ra, nói một cách khách quan thì chính sách hiện giờ của Việt Nam là khá tốt. Tất nhiên có những quy định trong luật thuế liên quan đến linh kiện phụ tùng, cụm linh kiện phụ tùng hoàn chỉnh chưa thật hợp lý đúng như phản ánh của DN. Song tôi cho rằng, để sửa đổi, điều chỉnh các quy định này phù hợp thì cần có thời gian, chứ không phải nói là cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi tức thì.

Tuy nhiên, cái khó nhất của nước ta hiện nay là việc thực thi chính sách. Chính sách trên cơ bản là rất tốt, nhưng việc thực thi chưa được hiệu quả. Có rất nhiều thủ tục quy định ra gây mất thời gian, công sức của DN và đặc biệt là tạo điều kiện để phát sinh những loại chi phí không chính thức.

Cộng đồng DN hy vọng theo thời gian, với việc tham gia các hiệp định thương mại và áp lực thị trường buộc việc thực thi của cơ quan nhà nước phải thay đổi.

*PV: Bà có kiến nghị cụ thể gì đối với Nhà nước để phát triển ngành cơ khí chế tạo?

- Bà Trương Thị Chí Bình: Như tôi đã đề cập, nước ta thiếu số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo nên rất cần những chính sách, những chương trình hỗ trợ để khởi sự DN. Để DN tự bươn trải thì rất khó bởi thực tế hiện nay để mở một DN thương mại hay dịch vụ, phần mềm thì đối với một sinh viên mới ra trường vẫn có thể làm được. Nhưng đối với lĩnh vực chế tạo thì rất là khó, bởi lẽ ngành này đòi hỏi vốn để đầu tư máy móc, đòi hỏi công nghệ, đòi hỏi về kinh nghiệm quản trị…

Trong khi đó biên độ lợi nhuận lại không cao, không có sức hấp dẫn như những ngành nghề khác. Đặc biệt, việc chủ động thị trường rất khó do đây không phải ngành sản xuất bán trực tiếp hàng hóa đến tay người tiêu dùng mà là bán cho các DN với sự cạnh tranh rất lớn.

Vì vậy, rõ ràng ngành này đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước từ khâu khởi sự cho đến việc tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, thị trường tiêu thụ… Việc này không thực hiện được trong một sớm một chiều mà phải có thời gian, làm trong thời gian rất dài. Do đó, nước ta cần làm càng sớm càng tốt, mỗi năm chỉ mong được chục, đến vài chục DN thành lập hoạt động trong lĩnh vực này đã là thành công.

Thời gian qua, Việt Nam đang có chương trình quốc gia khởi nghiệp nhưng rất tiếc chưa được tập trung và áp dụng nhiều trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Chúng tôi rất mong có được một chương trình như thế.

Bên cạnh đó, nước ta cần có nhiều chương tình đưa DN đi giao thương, hội chợ để nắm được các thông tin các thị trường, xu thế thị trường, công nghệ thế giới…

*PV: Xin cảm ơn bà!